BÁ TỬ NHÂN
Là hạt trong "nón cái" già (còn gọi là "quả") được phơi hay sấy khô của cây Trắc bá (Platycladus orientalis (L.) Franco), họ Hoàng đàn (Cupressaceae).
Mô tả
Hạt hình trứng dài hoặc bầu dục hẹp, dài 4 -7 mm, đường kính 1,5 - 3 mm. Mặt ngoài màu trắng vàng nhạt hoặc màu vàng nâu nhạt, có phủ một vỏ lụa dạng màng, đỉnh hơi nhọn, có một điểm nhỏ màu nâu thẫm, đáy tròn tù. Chất mềm, nhiều dầu. Mùi thơm nhẹ, vị nhạt.
Tính vị: Bá tử nhân có vị ngọt, tính bình.
Quy kinh: Bá tử nhân quy vào 2 kinh Tâm và Vị.
Công năng chủ trị: Dưỡng tâm an thần, dùng trong điều trị bệnh tâm hồi hộp, ra nhiều mồ hôi, chứng mất ngủ, chiêm bao hoặc tâm trí hay quên. Thường phối hợp với táo nhân, viễn chí.
Nhuận tràng thông đại tiện: dùng trong các trường hợp táo bón, trĩ, bí kết, đại tiện ra máu; phối hợp với chút chít.
Giải kinh: dùng trong các trường hợp kinh giản hoặc các chứng khóc đêm của trẻ em.
Liều dùng: 4-12g.
Chú ý: Khi dùng sao qua.
Lá trắc bách diệp, phơi âm can, sao vàng, dùng chữa các chứng xuất huyết, thổ huyết, viêm khí quản mạn tính, ho gà. Chữa rụng tóc hoặc sẹo không mọc tóc, lấy lá trắc bách diệp tươi, ngâm cồn 60 độ C. Sau 20 ngày, bôi vào chỗ tóc bị rụng hoặc chưa mọc tóc sẽ mọc trở lại.
|