Danh mục Website
Tìm kiếm thông tin
Liên kết Quảng cáo
Hỗ trợ trực tuyến

Hotline - 0965301616

Bv YHCT Hà Tĩnh - 0393.856.663
Hôm nay: 239 - Tất cả: 1,522,211
 
Máy móc thiết bị
 
Tác dụng - Chỉ định của kéo giãn cột sống
Tin đăng ngày: 7/12/2013 - Xem: 38717

                                                    Kéo giãn cột sống - traction therap

      Là phương pháp dùng lực cơ học tác động theo chiều dọc của cột sống nhằm làm giãn nở khoảng cách các khoang gian đốt để đem lại hiệu quả điều trị.

 

1. Đại cương.

1.1. Đặc điểm giải phẫu của cột sống.

- Cột sống bao gồm 32-33 đốt sống, chia thành 5 đoạn: đoạn cổ có 7 đốt, đoạn lưng có 12 đốt, đoạn thắt lưng có 5 đốt, đoạn cùng có 5 đốt dính vào nhau, và đoạn cụt có 3-4 đốt.

- Đoạn vận động là một đơn vị cấu trúc và chức năng của cột sống, bao gồm: khoang gian đốt, nửa phần thân đốt sồng trên và đốt sống dưới, dây chằng dọc trước, dây chằng dọc sau, dây chằng vàng, khớp đốt sống và tất cả phần mềm tương ứng 

+ Đĩa đệm gian đốt: là một đĩa sụn sợi, độ dày tùy thuộc đoạn cột sống, đoạn cổ dày 3mm, đoạn lưng 5mm và đoạn thắt lưng 9mm. Cấu trúc của đĩa đệm bao gồm: mâm sụn dính vào thân đốt, vòng sợi gồm những sợi sụn rất chắc và đàn hồi quấn vào nhau như hình xoắn ốc tạo thành những vòng đồng tâm xung quanh nhân nhày, nhân nhày có hình cầu hoặc bầu dục nằm trong vòng sợi, khi vận động cột sống về 1 phía (nghiêng, cúi, ưỡn) thì nhân nhày sẽ dịch chuyển về phía đối diện, nếu vận động cột sống đột ngột, quá mức thì nhân nhày không kịp dịch chuyển theo sẽ bị kẹt lại hoặc bật ra khỏi vị trí của nó trong vòng sụn gây nên thoát vị đĩa đệm.

+ Khớp liên đốt: do các mỏm khớp thẳng của các đốt sống tiếp khớp với nhau.

+ Các dây chằng: Dây chằng dọc trước bám ở mặt trước các đốt ống và đĩa đệm, dây chằng dọc sau bám vào mặt sau thân đốt (trong ống sống) và đĩa đệm, ngoài ra còn các dây chằng vàng, dây chằng liên gai, dây chằng liên ngang. Các vị trí có dây chằng bám là những vị trí rất vững chắc ít khi nhân nhày thoát vị ra các vị trí này, mà thường thoát vị ra các điểm yếu không có dây chằng bám, vị trí hay gặp là ở phía sau bên cột sống.

+ Lỗ ghép: tạo bởi khuyết dưới của đốt sống trên và khuyết trên của đốt sống dưới, lỗ ghép cho các dây thần kinh sống đi từ tủy sống ra ngoài, khi cột sống bị thoái hóa hay thoát vị đĩa đệm các rễ hay dây thần kinh sống sẽ bị chèn ép gây đau.

1.2. Đặc điểm sinh lý cột sống.

1.2.1. Đường cong sinh lý:

ở người trưởng thành, cột sống có 4 đoạn cong là cổ, ngực thắt lưng và cùng cụt. Các đoạn cong này đảm bảo cho cột sống vận động rất linh hoạt.

1.2.2. Chức năng của cột sống: có 3 chức năng:

- Chức năng bảo vệ tủy sống: khi chấn thương hay tổn thương cột sống sẽ ảnh hưởng đến tủy sống.

- Chức năng làm trụ cột cho các xương khác dính vào tạo nên bộ khung xương của cơ thể. Do làm trụ cột nên cột sống phải chịu một trọng tải rất lớn cả lúc nghỉ ngơi lẫn khi hoạt động, phần lớn trọng tải này lại do đĩa đệm chịu đựng. Bởi vậy đĩa đệm là một tổ chức có tính đàn hồi và khả năng chịu lực cao, tuy nhiên khả năng biến dạng và tính chịu nén cũng chỉ có giới hạn. ở đoạn thắt lưng trong tư thế nằm đĩa đệm chịu được tải trọng là 15-25kg lực, ở tư thế đứng là 100kg lực, tư thế cúi là 150kg lực, nếu cúi bê vật nặng 20kg thì áp lực nội đĩa đệm có thể lên tới 200kg lực. Khi chịu trọng tải lớn, áp lực nội đĩa đệm tăng lên và làm cho chiều cao đĩa đệm có thể giảm đi.

- Chức năng vận động:

+ Sự vận động của cột sống theo 3 trục:

· Trục ngang: thực hiện động tác gấp và duỗi.

· Trục dọc: thực hiện động tác nghiêng trái, nghiêng phải.

· Trục đứng: thực hiện động tác xoay trái xoay phải.

+ Cử động của các đoạn cột sống:

· Đoạn cổ: vận động linh hoạt nhất gồm cả 3 động tác trên.

· Đoạn lưng: đoạn này có các xương sườn bám vào nên cử động rất hạn chế.

· Đoạn thắt lưng: chủ yếu là động tác gấp duỗi, động tác nghiêng và xoay hạn chế và là đoạn chịu lực chính của toàn bộ cột sống.

· Đoạn cùng cụt: cố định không cử động.

2. Tác dụng của kéo giãn cột sống.

2.1. Tác dụng cơ học:

 - Làm giãn cơ tích cực: trong bệnh lý đau cột sống, sự kích thích rễ thần kinh và đau làm cơ co cứng phản xạ, sự co cứng co tác động trở lại làm cho đau càng trầm trọng hơn. Kéo giãn cột sống trước tiên lực sẽ tác động lên cơ gây giãn cơ thụ động, giảm co cứng cơ và cắt đứt vòng xoáy bệnh lý đau. Tuy nhiên nếu khi kéo nếu tăng giảm lực quá nhanh có thể gây kích thích làm tăng co cơ, do đó cần tăng giảm lực từ từ đặc biệt là trong bệnh lý đau cấp.

- Làm giảm áp lực nội đĩa đệm: lực kéo giãn dọc theo cột sống sẽ tác động vào nhiều điểm khác nhau của đoạn cột sống làm các khoang đốt được giãn rộng và có thể cao thêm trung bình 1,1mm, làm áp lực nội đĩa đệm giảm, và dẫn đến hệ quả là:

+ Làm tăng thẩm thấu nuôi dưỡng đĩa đệm, giúp nhân nhày và đĩa đệm căng phồng trở lại, tăng dinh dưỡng cho đĩa đệm do đó làm giảm quá trình thoái hóa của đĩa đệm.

+ Có thể giúp thu nhỏ thể tích đĩa đệm bị lồi hoặc thoát vị nếu khối thoát vị chưa bị xơ hóa.

Tuy nhiên cần chú ý nếu kéo với lực quá lớn, thời gian quá dài làm áp lực nội đĩa đệm giảm quá nhiều dẫn đến tăng thẩm thấu dich vào đĩa đệm có thể gây phù nề đĩa đệm làm đau tăng.

- Điều chỉnh sai lệch của khớp đốt sống và cột sống: trong thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm do chiều cao khoang gian đốt giảm làm di lệch diện khớp đốt sống. Sự di lệch này tuy nhỏ nhưng nó sẽ thúc đẩy quá trính thoái hóa và kích thích gây đau tăng lên. Kéo giãn cột sống làm điều chỉnh di lệch, tăng tính linh hoạt của khớp đốt sống và giải phóng sự khóa cứng của các khớp đốt sống.

- Giải phóng sự chèn ép lên các rễ và dây thần kinh sống: do làm tăng kích thước lỗ tiếp hợp, giảm thể tích khối thoát vị… từ đó làm giảm kích thích rễ và giảm đau.

2.2. Tác dụng điều trị:

- Giảm đau: do làm giãn cơ, giảm áp lực nội đĩa đệm làm tăng cường nuôi dưỡng đĩa đệm, giải phóng chèn ép rễ thần kinh, tăng nuôi dưỡng cục bộ.

- Tăng tầm vận động của đoạn cột sống bị hạn chế, khôi phục lại hình dáng giải phẫu bình thường của cột sống.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho đĩa đệm mới bị thoát ở mức độ nhẹ và vừa có thể trở lại vị trí cũ.

3. Chỉ định và chống chỉ định.

3.1. Chỉ định:

- Thoái hóa đốt sống chèn ép thần kinh gây đau lưng, đau thần kinh tọa, đau cổ vai cánh tay.

- Thoát vị đĩa đệm vừa và nhẹ.

- Sai khớp đốt sống nhẹ.

- Đau lưng do các nguyên nhân khác.

- Vẹo cột sống.

- Viêm cột sống dính khớp ở giai đoạn chưa dính khớp.

3.2. Chống chỉ định:

- Có tổn thương và chèn ép tủy, bệnh ống tủy.

- Lao cột sống, u ác tính, viêm tấy áp xe vùng lưng.

- Bệnh loãng xương, tăng huyết áp.

- Chấn thương cột sống có gãy xương biến dạng.

- Viêm đa khớp dạng thấp.

- Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt.

- Hội chứng đuôi ngựa.

- Thoái hóa cột sống, bệnh viêm cột sống dính khớp có các cầu xương nối các đốt sống.

 

 

 

Máy móc thiết bị khác:
Thiết bị máy móc bệnh viện (28/11/2013)
Các dụng cụ tập Phục hồi chức năng (28/11/2013)
Tác dụng - Chỉ định của kéo giãn cột sống (7/12/2013)
Ứng dụng Siêu âm điều trị (7/12/2013)
Video Clips
Video
Đoàn thanh niên bệnh viện YHCT khám và cấp phát thuốc miễn phí tại Sơn Hà - Hương Sơn
CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP BV YHCT HÀ TĨNH
Tiêm khớp vai dưới hướng dẫn của siêu âm
ĐIỀU TRỊ BỆNH TRĨ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN (PGS. TS NGUYỄN NHƯỢC KIM)
Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh cắt điều hòa của cán bộ để phục vụ bệnh nhân
PHẪU THUẬT TRĨ BẰNG PHƯƠNG PHÁP TRIỆT MẠCH QUA SIÊU ÂM DOPPLER - THD
Thông tin mới nhất
TAC DỤNG VÀ TÁC HẠI CỦA CAM THẢO
ĐÔNG Y TRỊ BỆNH THIỂU NĂNG TUẦN HOÀN NÃO
KHÁNG KHÁNG SINH, MỐI ĐE DỌA SỨC KHỎE VÀ SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN CẦU
Tình hình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trên thế giới​
5 ĐIỀU BỐ MẸ CẦN BIẾT VỀ TIÊM VACCINE COVID-19 CHO TRẺ EM
NHỮNG DẠNG THUỐC VIÊN KHÔNG ĐƯỢC NHAI, NGHIỀN, BẺ NHỎ (DO-NOT-CRUSH)
Dự báo thời tiết
Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh
Địa chỉ: Đường Hà Hoàng - Đoài Thịnh - Thạch Trung - Tp Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.856.663 - Fax: 02393.856.663
Email: [email protected] - Website: http://bvyhoccotruyenhatinh.vn